Trong pháp luật Việt Nam, cơ quan có quyền xử phạt vi phạm hành chính là các cơ quan chức năng, bao gồm cả các cơ quan cảnh sát, tòa án, cục cảnh sát địa phương...
Tại Việt Nam, cơ quan nào sau đây có quyền xử phạt vi phạm hành chính?
Cơ quan hành chính nhà nước bao gồm:
- Cơ quan hành chính Nhà nước ở cấp trung ương bao gồm chính phủ, các Bộ (18 Bộ) và cơ quan ngang Bộ (4 cơ quan ngang Bộ).
- Cơ quan hành chính Nhà nước ở địa phương là các Ủy ban Nhân dân. Tương ứng với mỗi cấp địa phương có một cấp Ủy ban Nhân dân. (xã, (phường, thị trấn), huyện (quận, thị xã), tỉnh (thành phố))
- Các cơ quan hành chính theo ngành tại địa phương bao gồm các cơ quan chuyên môn của Ủy ban Nhân dân và cơ quan đại diện của các bộ tại địa phương.
Theo quy định từ Điều 38 đến Điều 51, Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 , thì các cá nhân có thẩm quyền xử phạt hành chính bao gồm: Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Công an nhân dân, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, Kiểm lâm, cơ quan Thuế, Quản lý thị trường, Thanh tra, Cảng vụ hàng hải, Cảng vụ hàng không, Cảng vụ đường thuỷ nội địa, Toà án nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự, Cục Quản lý lao động ngoài nước, cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài.
Chiếu theo những cơ quan hành chính nhà nước ở trên, thì không phải tất cả các cơ quan hành chính nhà nước đều có quyền xử phạt hành chính.
Tòa án nhân dân tối cao không có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật?
Căn cứ Điều 2 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008 quy định hệ thống văn bản quy phạm pháp luật gồm:
- Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội.
- Pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
- Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước.
- Nghị định của Chính phủ.
- Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
- Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
- Thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
- Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.
- Quyết định của Tổng Kiểm toán Nhà nước.
- Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc giữa Chính phủ với cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội.
- Thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; giữa các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.
- Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân.
Như vậy, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là bao lâu?
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, trừ các trường hợp sau đây:
Vi phạm hành chính về kế toán; hóa đơn; phí, lệ phí; kinh doanh bảo hiểm; quản lý giá; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; xây dựng; thủy sản; lâm nghiệp; điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước; hoạt động dầu khí và hoạt động khoáng sản khác; bảo vệ môi trường; năng lượng nguyên tử; quản lý, phát triển nhà và công sở; đất đai; đê điều; báo chí; xuất bản; sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh hàng hóa; sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả; quản lý lao động ngoài nước thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm.
Vi phạm hành chính về thuế thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về quản lý thuế;”;
Thời điểm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính quy định tại điểm a khoản 1 Điều này được quy định như sau:
Đối với vi phạm hành chính đã kết thúc thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm.
Đối với vi phạm hành chính đang được thực hiện thì thời hiệu được tính từ thời điểm phát hiện hành vi vi phạm;
Trường hợp xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân do cơ quan tiến hành tố tụng chuyển đến thì thời hiệu được áp dụng theo quy định tại điểm a và điểm b khoản này. Thời gian cơ quan tiến hành tố tụng thụ lý, xem xét được tính vào thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính.
d) Trong thời hạn được quy định tại điểm a và điểm b khoản này mà cá nhân, tổ chức cố tình trốn tránh, cản trở việc xử phạt thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được tính lại kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở việc xử phạt.
Thời hạn được coi là chưa bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn
Cá nhân bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, nếu trong thời hạn 02 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc 01 năm, kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà không tái phạm, thì được coi là chưa bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
2. Cá nhân bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, nếu trong thời hạn 02 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc 01 năm kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính mà không tái phạm thì được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
Những trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính
Không xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp sau đây:
1. Thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong tình thế cấp thiết;
2. Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do phòng vệ chính đáng;
3. Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất ngờ;
4. Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất khả kháng;
5. Người thực hiện hành vi vi phạm hành chính không có năng lực trách nhiệm hành chính; người thực hiện hành vi vi phạm hành chính chưa đủ tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 của Luật này.
Những qui định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong một số lĩnh vực Tư pháp?
1. Về phạm vi điều chỉnh: Ngoài giữ nguyên những lĩnh vực như những văn bản trước thì trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, Nghị định 82/2020/NĐ-CP bổ sung thêm về lĩnh vực hòa giải thương mại và thừa phát lại. Có thể thấy nghị định này ra đời là hoàn toàn phù hợp. Bởi ngay sau Nghị định 08/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 24/02/2020 về Thừa phát lại được tổ chức và áp dụng thống nhất trên phạm vi cả nước thay vì chỉ áp dụng ở một số địa phương thì Nghị định 82/2020/NĐ-CP đã bổ sung thừa phát lại để có thể tránh những hành vi sai phạm của các văn phòng hành nghề thừa phát lại.
Ngoài ra trong lĩnh vực hành chính tư pháp, bổ sung thêm trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Đây là một điểm mới thấy rõ sự tiến bộ trong phạm vi điều chỉnh trong Nghị định 82/2020/NĐ-CP, bơi lẽ Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được ban hành năm 2017 nhưng những hành vi sai phạm trong quản lý nhà nước trong lĩnh vực này lại chưa chịu sự điều chỉnh của Luật xử lý vi phạm hành chính.
2. Về đối tượng xử phạt:
Nghị định 82/2020/NĐ-CP đã có những thay đổi và mở rộng đối tượng chịu sự điều chỉnh như sau: Ngoài loại hình “trung tâm tư vấn pháp luật” và “trung tâm trọng tài” thì Nghị định đã bổ sung thêm cả “chi nhánh của trung tâm tư vấn pháp luật” và “chi nhánh, văn phòng đại diện của trung tâm trọng tài; chi nhánh, văn phòng đại diện của tổ chức trọng tài nước ngoài tại Việt Nam” vào đối tượng áp dụng; bổ sung loại hình “tổ chức mà nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng”.
Ngoài ra việc mở rộng phạm vi điều chỉnh nên Nghị định 82/2020/NĐ-CP cũng đã liệt kê ra các đối tượng điều chỉnh thuộc các lĩnh vực ngành nghề mới như: Trung tâm hòa giải thương mại; Chi nhánh, Văn phòng đại diện của trung tâm hòa giải thương mại; Tổ chức hòa giải thương mại nước ngoài tại Việt Nam; Văn phòng thừa phát lại.
3. Quy định mới về mức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức
Tại Điều 4 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân trong các lĩnh vực: hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình là 30.000.000 đồng; lĩnh vực thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã là 40.000.000 đồng; lĩnh vực bổ trợ tư pháp là 50.000.000 đồng. Trường hợp tổ chức có hành vi vi phạm hành chính như của cá nhân thì mức phạt tiền bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
4. Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực hôn nhân gia đình:
Xử phạt đối với hành vi yêu sách của cải trong kết hôn.
Theo đó, điểm đ khoản 1 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định, phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với cá nhân có hành vi cản trở kết hôn, yêu sách của cải trong kết hôn hoặc cản trở ly hôn. Theo khoản 12 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, yêu sách của cải trong kết hôn là việc đòi hỏi về vật chất một cách quá đáng và coi đó là điều kiện để kết hôn nhằm cản trở việc kết hôn tự nguyện của nam, nữ. Như vậy, kể từ ngày 01/9/2020, việc thách cưới quá cao hay đưa ra yêu sách của cải để cản trở kết hôn, ly hôn; cưỡng ép kết hôn, ly hôn sẽ bị xử phạt.
Hành vi ngoại tình sẽ có thể bị phạt đến 5 triệu đồng
Một điểm mới đáng chú ý tại Nghị định 82/2020 là việc quy định tăng gần gấp đôi mức phạt đối với hành vi ngoại tình. Theo đó, khoản 1 Điều 59 Nghị định 82/2020 quy định phạt tiền 3-5 triệu đồng đối với cá nhân vi phạm một trong các hành vi sau:
- Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ.
- Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác.
- Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ.
5. Phạt đến 40 triệu đồng nếu luật sư tiết lộ thông tin khách hàng khi chưa được phép
Theo đó, tại khoản 7 Điều 6 luật sư khi tiết lộ thông tin về vụ, việc, về khách hàng mà mình biết trong khi hành nghề mà không được khách hàng đồng ý bằng văn bản theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng; bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề luật sư; hoặc giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam từ 06 tháng đến 09 tháng.
Ngoài ra, các hành vi: Cung cấp hoặc hướng dẫn khách hàng cung cấp tài liệu, vật chứng giả, sai sự thật; Xúi giục khách hàng khai sai sự thật hoặc xúi giục khách hàng khiếu nại, tố cáo trái pháp luật; Móc nối, quan hệ với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, cán bộ, công chức, viên chức để làm trái quy định của pháp luật trong việc giải quyết vụ, việc; Tham gia lôi kéo, kích động, mua chuộc, cưỡng ép người khác tập trung đông người để gây rối trật tự công cộng, thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự... cũng bị mức phạt tương tự.
6. Công chứng ngoài trụ sở bị phạt đến 7 triệu đồng
Hành vi Công chứng ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng không đúng quy định tại Nghị định 82/2020/NĐ-CP được Chính phủ tăng mạnh. Hiện nay, tại khoản 8 Điều 1 Nghị định 67/2015/NĐ-CP ngày 14/8/2015 của Chính phủ hành vi này đang bị phạt từ 1.000.000 - 3.000.000 đồng. Tuy nhiên, đến điểm a khoản 2 Điều 15 Nghị định 82/2020/NĐ-CP, mức phạt đã tăng lên từ 3.000.000 - 7.000.000 triệu đồng.
Đây cũng là mức phạt dành cho các hành vi vi phạm sau: Công chứng không đúng thời hạn quy định; sửa lỗi kỹ thuật văn bản công chứng không đúng quy định; sách nhiễu, gây khó khăn cho người yêu cầu công chứng; từ chối yêu cầu công chứng mà không có lý do chính đáng; không dùng tiếng nói hoặc chữ viết là tiếng Việt; vi phạm các quy định về hướng dẫn tập sự như: Hướng dẫn nhiều hơn 02 người tập sự tại cùng một thời điểm, khi không đủ điều kiện theo quy định…; công chứng hợp đồng, giao dịch trong trường hợp không có phiếu yêu cầu công chứng; trong thành phần hồ sơ có giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung…
7. Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật về nội dung khai sinh
Theo đó tại khoản 2 Điều 37 hành vi cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật về nội dung khai sinh; cam đoan, làm chứng sai sự thật về việc sinh; sử dụng giấy tờ của người khác để làm thủ tục đăng ký khai sinh bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Bên cạnh đó, phải kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với giấy khai sinh đã cấp do có hành vi vi phạm.
8. Phạt tiền đến 15 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng phổ biến, giáo dục pháp luật để xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước
Theo đó tại khoản 3 Điều 48 hành vi lợi dụng phổ biến, giáo dục pháp luật để xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền chính sách thù địch, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng. Bên cạnh đó, phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi cung cấp thông tin, tài liệu có nội dung sai sự thật, trái pháp luật, trái đạo đức xã hội, truyền thống tốt đẹp của dân tộc.