Cửu âm chân kinh – Bí kíp võ học khiến giang hồ điên đảo
Trong các tuyệt kỹ võ học Kim Dung, Cửu âm chân kinh được xem là bí kíp võ công đáng sợ, ẩn chứa sức mạnh vô biên. Bộ chân kinh này chứa đựng tất cả các môn võ học huyền bí thâm sâu và ảo diệu như kiếm pháp, quyền pháp, chưởng pháp, trảo pháp, khinh công, nội công tâm pháp… Nếu luyện thành một chiêu đã trở thành cao thủ hạng nhất, nếu luyện hết cả bộ có thể vô địch thiên hạ. Vì sức mạnh của nó, Cửu âm chân kinh đã trở thành bộ tuyệt học võ công khiến nhân sĩ võ lâm một thời vấy máu tranh đoạt, cả giang hồ điên đảo săn lùng.
Cửu âm chân kinh thường được biết đến qua tác phẩm Xạ Điêu Tam Bộ Khúc gồm 3 phần: Anh hùng xạ điêu, Thần Điêu hiệp lữ và Ỷ Thiên Đồ Long ký. Kim Dung rất khéo khi không trực tiếp phác họa cụ thể hoàn cảnh ra đời của Cửu âm chân kinh mà để nó hình thành qua lời kể của các cao thủ võ lâm trong giang hồ. Trong Xạ điêu anh hùng truyện viết năm 1957, Kim Dung nói về xuất xứ của Cửu âm chân kinh như sau: Tương truyền Đạt Ma sư tổ của phái Thiếu Lâm lúc mới từ Tây Trúc sang Trung Quốc đã giao chiến với nhiều võ sĩ trung thổ và có thắng, có bại. Sau đó, ông lui về ở ẩn, quay mặt vào tường suốt 9 năm, thấu triệt được các tinh hoa võ học rồi viết thành bộ Cửu âm chân kinh.
Tuy nhiên, trong bản mới đã được sửa chữa, Kim Dung mượn lời Lão Ngoan đồng Châu Bá Thông, sư đệ Vương Trùng Dương - giáo chủ Toàn Chân giáo, cho rằng bí kíp Cửu âm chân kinh là do Hoàng Thường viết. Theo đó, Hoàng Thường là một vị quan "thế ngoại cao nhân".
Thời Bắc Tống, hoàng đế Huy Tông hạ chiếu tập hợp tất cả di thư của đạo gia trong thiên hạ để làm bộ Vạn thọ Đạo tạng và Hoàng Thường phụ trách trông coi việc khắc in. Vì sợ khắc lầm chữ sẽ bị tội khi quân nên ông đã dồn hết tâm trí để đối chiếu cẩn thận từng câu chữ. Dần dần, Hoàng Thường trở nên tinh thông Đạo học, ngộ ra được tầng sâu của võ công. Ông theo đó tu luyện cả nội - ngoại công, trở thành cao thủ.
Về sau, vua Huy Tông phái Hoàng Thường đem binh đi tiêu diệt Ma giáo (Minh giáo). Ông đánh bại nhiều cao thủ nhưng bị trọng thương phải đi trốn. Ở nơi núi hoang, Hoàng Thường nhớ lại những chiêu thức võ công của các địch thủ để tìm cách phá giải. Hơn 40 năm sau, khi đã triệt ngộ, ông muốn hạ sơn báo thù thì kẻ thù xưa đã qua đời hết. Hoàng Thường bèn đem những công phu thượng thừa của các môn phái viết thành Cửu âm chân kinh.
Ngoài Hoàng Thường, người duy nhất trên giang hồ học hết bộ chân kinh chính là Quách Tĩnh, sau đó là Chu Bá Thông (do ông không hiểu phần Tổng Cương bằng tiếng Phạn). Ngoài ra, còn có Bắc Cái Hồng Thất Công, Tây độc Âu Dương Phong, Nam đế Nhất Đăng đại sư, Mai Siêu Phong, Dương Khang, Hoàng Dung, Dương Quá, Tiểu Long Nữ, Chu Chỉ Nhược… từng tu luyện qua một phần bí kíp.
Trần Huyền Phong và Mai Siêu Phong đã tu luyện Cửu âm chân kinh quyển hạ mà chỉ trong thời gian ngắn đã tung hoành giang hồ. Chu Chỉ Nhược tu luyện chưa tới một năm cũng trở thành cao thủ, chỉ kém Trương Vô Kỵ và Hoàng Sam Nữ Tử. Thậm chí Âu Dương Phong dù bị Hoàng Dung cố ý truyền thụ sai khẩu pháp khiến gân mạch nghịch chuyển nhưng tại Hoa Sơn Luận Kiếm lần 2 đã liên tiếp đánh bại Quách Tĩnh, Hoàng Dược Sư và Hồng Thất Công. Còn Vương Trùng Dương chỉ dùng một phần rất nhỏ đã phá giải được Ngọc nữ tâm kinh của Lâm Triều Anh. Những điều này đủ thấy Cửu âm chân kinh mạnh tới nhường nào.
Bí kíp tuyệt thế vô song bị giấu đi
Thế nhưng, ít ai biết rằng, trong 2 phần Anh hùng xạ điêu và Thần Điêu hiệp lữ, một bộ tuyệt học võ công khác có sức mạnh tuyệt thế vô song bị cất giấu đi.
Đó chính là Quỳ hoa bảo điển.