NATO tăng cường khả năng phản ứng bảo vệ đồng minh

Ngày 24-2, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết đã ra lệnh cho các chỉ huy quân sự tăng cường chuẩn bị để bảo vệ lãnh thổ của đồng minh sau khi Nga có hành động quân sự với Ukraine.

Người dân chờ xe buýt đi miền tây đất nước tại thủ đô Kiev ngày 24-2 - Ảnh: REUTERS
Người dân chờ xe buýt đi miền tây đất nước tại thủ đô Kiev ngày 24-2 - Ảnh: REUTERS

Hãng tin Reuters dẫn lời ông Stoltenberg cho biết hàng trăm máy bay chiến đấu và tàu của NATO đang trong tình trạng báo động cao.

Theo ông Stoltenberg, NATO sẽ tăng quân ở sườn phía đông của liên minh sau khi quân Nga tiến vào phía đông Ukraine, tuy nhiên không có kế hoạch gửi quân vào trong Ukraine.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết ông đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp trực tuyến với 30 quốc gia thành viên liên minh vào ngày mai, 25-2, dự kiến ​​Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và các lãnh đạo của Thụy Điển, Phần Lan và các tổ chức Liên minh châu Âu sẽ tham dự.

Ukraine không phải là thành viên của liên minh và không có quân đội NATO ở nước này. Việc kích hoạt "các kế hoạch phản ứng từng bước" của NATO là một bước đi hiếm hoi và được ông Stoltenberg giải thích là để phòng thủ.

Ông nói: "Chúng tôi đã thảo luận về tình hình hiện tại, sau khi nhận được khuyến nghị từ các cố vấn quân sự, các đại diện thường trực đã đồng ý sử dụng kế hoạch phòng thủ của chúng tôi, quy định việc triển khai lực lượng ở các nước trong liên minh trong thời gian khủng hoảng".

Tổng thư ký cho biết các biện pháp được thực hiện nhằm bảo vệ các đồng minh. NATO hiện đang tăng cường kế hoạch triển khai các khả năng và lực lượng, bao gồm cả Lực lượng Phản ứng sẵn sàng chiến đấu cao của NATO, tới các nước Đông Âu.

NATO cũng đang có kế hoạch thành lập các đơn vị chiến đấu ở Romania và Bulgaria, và có thể cả Hungary và Slovakia - tương tự như các đơn vị đã được thiết lập ở các nước Baltic và Ba Lan.

Về phía Nga, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định hoạt động quân sự đặc biệt ở Donbass không bao gồm việc chiếm đóng Ukraine mà chỉ nhằm phi quân sự hóa và phi quốc xã hóa Ukraine. Ông Putin nói thêm rằng toàn bộ trách nhiệm về cuộc đổ máu sẽ thuộc về lương tâm của chế độ Kiev.

Bộ Quốc phòng Nga nhấn mạnh rằng họ không tấn công vào các mục tiêu dân sự trên lãnh thổ Ukraine mà chỉ nhằm vào cơ sở hạ tầng quân sự. Bộ Quốc phòng Nga lưu ý rằng không có gì đe dọa dân thường.

Liên quan đến căng thẳng Ukraine - Nga, Tổng thống Lithuania vừa tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và điều quân bảo vệ biên giới.

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Evans Knapper cho biết: "Hôm nay tôi đã đến Đại sứ quán Ukraine và gặp đại biện lâm thời Zhynkina để đảm bảo với bà rằng Hoa Kỳ ủng hộ người dân Ukraine. Chúng tôi lên án cuộc tấn công trắng trợn của Tổng thống Putin và việc Nga vi phạm độc lập và chủ quyền của Ukraine".

Ông Knapper cho biết ngày mai, Tổng thống Biden sẽ gặp gỡ các lãnh đạo của nhóm các quốc gia G7, và Hoa Kỳ cùng các đồng minh và đối tác sẽ áp dụng các lệnh trừng phạt nặng đối với Nga.

"Chúng tôi phản đối bất kỳ nỗ lực sử dụng sự cưỡng ép hoặc vũ lực nào nhằm giải quyết các tranh chấp lãnh thổ, và sẽ tiếp tục kiên định trong việc ủng hộ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Chúng tôi nhắc nhở Nga về các nghĩa vụ của nước này theo Hiến chương Liên Hiệp Quốc đối với việc không đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực. Hoa Kỳ sẽ hợp tác với cộng đồng quốc tế để buộc Nga chịu trách nhiệm cho cuộc tấn công của mình", ông Knapper nói.

Saigon Uniform