Làm sao có thể nhìn thấu được một người chỉ qua tiếp xúc thông thường. Người xưa nói, hãy nhìn vào những thời điểm sau, bạn sẽ hiểu rõ bản chất của một người.
Đứng trước lợi ích họ lựa chọn thế nào
Đứng trước lợi ích, nhiều người sẽ bỏ rơi lương tâm của chính mình. Đây thường là thời điểm tốt nhất để nhận biết một người.
Nếu một người xem nhẹ lương tâm, quên hết đạo đức của chính mình chỉ vì lợi ích riêng thì bạn còn dám tin người như vậy không? Tốt hơn là nên tránh xa càng sớm càng tốt! Bằng không, một khi cùng người như vậy có xung đột lợi ích, nhất định bạn sẽ phải đau lòng!
Còn nếu một người không buông bỏ những nguyên tắc nội tâm của mình trước lợi ích, mà vẫn kiên định niềm tin vào đạo đức, và có thể đặt mối quan hệ con người và mối quan hệ gia đình lên hàng đầu, thì người này nhất định có sự lựa chọn cao quý.
Trong “Luận Ngữ” của Khổng Tử có câu nói rằng: “Quân tử dụ ư nghĩa, tiểu nhân dụ ư lợi”. Tạm dịch: Người quân tử coi trọng đạo nghĩa, kẻ tiểu nhân coi trọng lợi ích.
Người quân tử có đạo đức và lương tâm trong sáng nên sẽ không vì lợi nhuận mà thỏa hiệp đạo đức; kẻ ác luôn lấy “lợi nhuận” làm thước đo để đánh đổi, thường xuyên vi phạm luân lý đạo đức mà không hề đắn đo.
Khi phải đối mặt với một lời hứa
Trước những lời hứa hẹn thường rất dễ dàng nhìn ra được tính cách của một người. Một người nếu đưa ra một lời hứa rất lớn và không bao giờ dễ dàng phá bỏ nó thì những người như vậy rất đáng tin cậy.
Trong “Luận ngữ” có câu: “Nhân nhi vô tín, bất tri kì khả dã. Đại xa vô khẩu, tiểu xa vô khẩu, kì hà dĩ hành chi tai”, đại ý là nếu con người không giữ chữ tín, cũng giống như một cỗ xe lớn không có đoạn gỗ chốt nối giữa càng xe và ách xe, xe sẽ không thể chạy được.
Thái độ đối với cha mẹ
Chúng ta thường để lại những tính khí tốt của mình cho người khác và để những tính khí xấu cho những người thân trong gia đình mình.
Tuy nhiên, nếu một người luôn có thể kiềm chế và đối xử tử tế với những người thân thiết nhất của mình, thì người này có sự tu dưỡng thật tuyệt vời và thật đáng ngưỡng mộ.
Có một chương trong cuốn “Luận ngữ” của Khổng Tử: Tử Hạ hỏi về đạo Hiếu. Khổng Tử nói: “Khó nhất là con cái có giữ được vẻ hòa vui thường xuyên lúc phụng dưỡng cha mẹ hay không. Khi có việc cực nhọc, con cái chủ động làm thay, có gì ngon mang cho cha mẹ ăn…Như thế chắc gì đã là có hiếu?”
Khi đối xử với cha mẹ, điều quan trọng nhất là thái độ, chúng ta phải chú ý tu dưỡng thái độ vui vẻ khi phụng dưỡng cha mẹ.
Người xưa có câu: “Nhân sinh nhược chỉ như sơ kiến”, nghĩa là: Đời người nếu vốn chỉ như lần đầu gặp gỡ thì sẽ tốt đẹp biết mấy.
Bởi vì chúng ta thường có thể duy trì thái độ tốt khi tiếp xúc với những người mà chúng ta không quen biết. Vì vậy, dù mức độ thân mật đến đâu, chúng ta cũng phải cố gắng hòa ái và vui vẻ, đó cũng là cảnh giới tu dưỡng cao của đời người.
Đối với những người thân thiết nhất, nếu một người vẫn luôn duy trì thái độ tốt, không kiêu ngạo hay ngạo mạn, khiêm tốn và lịch sự thì hầu hết họ đều được gia đình giáo dục tốt, có trách nhiệm và dễ được người khác tin tưởng, quý mến.
Hãy xem họ đối xử với những người có địa vị thấp hơn mình
Một người có thể khiêm tốn học hỏi những người có học thức cao và không kiêu ngạo với những người có địa vị thấp hơn mình thì chính là dấu hiệu của một người có nhân cách tốt.
Nếu một người xu nịnh cấp trên và ra lệnh cho cấp dưới thì người này không có tu dưỡng đạo đức.
Điều quý giá nhất của một người là họ có thể kiên cường và giữ được sự chính trực khi đối mặt với quyền lực.
Trong bài thơ “Mộng du Thiên Mụ ngâm lưu biệt” của Lý Bạch, có hai câu thơ rằng: “An năng tồi mi chiết yêu sự quyền quý, Sử ngã bất đắc khai tâm nhan”, nghĩa là: Sao có thể cụp mắt khom lưng phụng quyền quý, khiến ta chẳng được vui vẻ tươi cười.
Nói chung, con người tự nhiên có cảm giác ưu việt hơn khi đối mặt với những người có địa vị thấp hơn mình. Nhưng nếu một người có thể không đề cao cảm giác vượt trội của mình để hạ bệ người khác mà thay vào đó đối xử với họ bằng sự tôn trọng, thì người đó phải có thiện chí, chính trực và là một người đáng tin cậy.