Ngày Quốc khánh là ngày gì? Ý nghĩa & Bối cảnh lịch sử

Nhắc đến Ngày Quốc Khánh Việt Nam, trong trái tim của mỗi người dân lại trào dâng cảm xúc thiêng liêng, lòng kiêu hãnh, tự hào và biết ơn sâu sắc. Bởi lẽ ngày 2/9 không chỉ là ngày "Tết độc lập", mà còn là mốc son trọng đại trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập 2/9/1945
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập 2/9/1945

Ngày Quốc khánh là ngày gì? Ý nghĩa ngày Quốc khánh 2/9

Ngày Quốc Khánh là gì?

Quốc Khánh chắc hẳn là khái niệm mà ai cũng đã từng nghe qua. Thế nhưng không phải ai cũng hiểu hết về ý nghĩa của từ này. Theo Từ điển Tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên, Quốc khánh có nghĩa là "việc mừng, lễ mừng của nước". Việc "khai sinh ra một nước" có thể xem là "việc mừng" lớn nhất của nước đó nên mới được gọi là "quốc khánh". "Quốc khánh" là "lễ chính thức lớn nhất của một nước" được coi là việc mừng lớn (thường kỷ niệm ngày có sự kiện được coi là trọng đại nhất trong lịch sử).

Quốc Khánh Việt Nam là ngày nào?

Quốc Khánh là ngày lễ chính thức của Việt Nam, diễn ra vào 2/9 hàng năm. Đây là dịp kỷ niệm ngày Bác Hồ đọc Bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tiền thân của nước Cộng Hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Bối cảnh lịch sử

Theo tư liệu lịch sử, sau khi nhiều nơi giành thắng lợi, ngày 25/8/1945 Bác Hồ từ chiến khu trở về ngoại thành Hà Nội, trực tiếp chỉ đạo phong trào. Chiều ngày hôm sau tại căn gác 2 số 48 Hàng Ngang, Bác đã chủ tọa cuộc họp của Thường vụ Trung ương Đảng bàn về công tác đối nội, đối ngoại và đưa ra quyết định khẩn trương tổ chức ra mắt chính phủ lâm thời.

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) hơn 50 vạn đồng bào đại diện cho mọi tầng lớp nhân dân, với niềm hân hoan chờ đón thời khắc thiêng liêng của lịch sử. Trong không khí náo nức ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trong lễ đài bước ra, Người đã thay mặt Chính phủ lâm thời đọc Bản tuyên ngôn độc lập. Đây là văn kiện lịch sử, văn bản pháp lý quan trọng khẳng định chủ quyền của quốc gia. Và ngày 2/9 được xem cột mốc trọng đại đánh dấu sự thắng lợi của đất nước, mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc.

Ý nghĩa 

Quốc Khánh Việt Nam là ngày lễ của dân tộc có ý nghĩa lớn lao. Là dịp để người dân, kiều bào nước ngoài hướng về Tổ quốc thân yêu, với tấm lòng tự hào và biết ơn sâu sắc. Đây là dịp để cùng nhau nhớ về những chiến công, sự hi sinh bất khuất của các anh hùng vì sự nghiệp giải phóng đất nước. Cùng nhớ về công lao Bác Hồ kính yêu, vị cha già của dân tộc. 

Ngày 2/9 không chỉ mang ý nghĩa to lớn, mà còn là lời nhắc nhở các thế hệ trẻ cùng nhìn lại chặng đường gian khổ mà hào hùng của dân tộc. Từ đó tôi luyện lòng yêu nước, ra sức trau dồi, học tập, nghiên cứu và rèn luyện, cống hiến sức mình cho sự nghiệp xây dựng đất nước vững mạnh.

Lịch nghỉ 2/9 theo quy định mới

Bắt đầu từ năm 2021, người lao động sẽ có 2 ngày nghỉ dịp lễ Quốc khánh (gồm ngày 2/9 và 1 ngày liền kề trước hoặc sau ngày này). 

Như vậy, năm 2021 ngày 2/9 rơi vào thứ 5, nên cán bộ công chức, viên chức, người lao động sẽ được nghỉ 4 ngày (từ thứ năm 2/9 đến chủ nhật 5/9).

Đi làm ngày Quốc khánh người lao động được trả lương ra sao? 

Theo quy định của Bộ luật Lao động 2019 người lao động nghỉ lễ vẫn được hưởng nguyên lương (100%).

Trường hợp vì tính chất công việc hay yêu cầu của các đơn vị, người lao động vẫn đi làm thì được tính làm thêm giờ và hưởng lương thêm. 

Theo Điều 98, Bộ luật này quy định về tiền lương làm thêm giờ, làm việc ban đêm, người lao động sẽ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm.

  • Làm vào ban ngày: Theo quy định mới nhất, người lao động sẽ được trả ít nhất 300% lương. Đó là chưa kể lương ngày lễ đối với người lao động hưởng lương ngày. 
  • Làm vào ban đêm: Người lao động sẽ được trả thêm ít nhất 30% đơn giá tiền lương thực trả. Trường hợp làm thêm giờ vào ban đêm, ngoài được trả lương theo thời gian làm việc thực tế, tiền làm thêm giờ, còn được trả thêm 20% tiền lương theo đơn giá hoặc tiền lương thực trả theo công việc.

Ngày 2/9 có những hoạt động nào?

Vào Ngày Quốc Khánh tất cả người dân Việt Nam đều được nghỉ lễ. Theo đó lịch nghỉ ở mỗi năm sẽ khác nhau, chẳng hạn năm 2021 được nghỉ 4 ngày, 2020 được nghỉ 1 ngày, 2019 được nghỉ 3 ngày, 2018 nghỉ 1 ngày...

Đây là ngày hội của non sông, vì thế có rất nhiều hoạt động được tổ chức trong ngày trọng đại này. Ngoài việc nhà nhà treo cờ để chào mừng ngày "Tết độc lập". Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh sẽ tổ chức bắn pháo hoa, triễn lãm, cùng nhiều hoạt động mang ý nghĩa khác để kỉ niệm thời khắc lịch sử này.

Những kỷ niệm không thể nào quên Ngày Quốc Khánh

Mỗi người đều có những kỷ niệm của riêng mình. Những người tham gia cuộc mít tinh vĩ đại với 50.000 người tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945, ai còn cũng đã ngót trăm tuổi, có thể nghe văng vẳng tiếng Bác Hồ: “Tôi nói đồng bào có nghe rõ không”.

Cách đây 6 năm, trong không khí chuẩn bị cho kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1945-2015), đồng thời kỷ niệm 50 năm (1965-2015) Ngày thành lập đơn vị đúng vào ngày 2/9/1965, quân nhân Sư đoàn 3 mỗi người một tâm trạng, một ký ức riêng. Đại tá Hồ Ngọc Sơn bồi hồi, xúc động nhớ về ngày 2/9/1965 tại rừng Bà Bơi thuộc xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định, Sư đoàn của ông được thành lập và sau này vinh dự có tên là Đoàn Sao vàng. Các sĩ quan và chiến sĩ trẻ của Sư đoàn lại phấn chấn tập luyện chuẩn bị cho ngày kỷ niệm với niềm tin và niềm tự hào là những người kế tục lớp cha anh đi trước với 5600 trận chiến oanh liệt.

Còn với hàng ngàn học sinh, sinh viên, trong đó có tôi và họa sĩ Nguyễn Thiện Hùng, kỷ niệm khó quên nhất là việc xếp vội mấy cuốn sách, tạm biệt Hà Nội, nhập ngũ đúng ngày 2/9/1972, Quốc khánh lần thứ 27! Thời kỳ ấy, học sinh, sinh viên nô nức lên đường hướng về miền Nam ruột thịt…

Nói sao hết hàng triệu con tim người Việt Nam với hàng triệu kỷ niệm rất riêng nhưng cũng rất chung về ngày Quốc khánh mùng 2/9! Cái chung lớn lao nhất là người Việt Nam từ kiếp nô lệ, bị coi là “man di”, rồi gọi là “an nam mít”, sau ngày Quốc khánh đã đứng lên đầy kiêu hãnh với tên gọi 'người Việt Nam' của Tổ quốc Việt Nam độc lập!

Và thực tế, từ ngày ấy “Việt Nam thực sự là một nước độc lập” đúng như Hồ Chủ tịch tuyên bố trước quốc dân đồng bào và cộng đồng quốc tế. Và từ ngày ấy, Tổ quốc Việt Nam là một thực thể thống nhất, thiêng liêng, dẫu có bị chia cắt hai miền Nam-Bắc trong 20 năm đầy gian khổ, hy sinh! “Không có gì quý hơn độc lập tự do” là khát vọng, là cái chung gắn kết triệu triệu con tim người Việt Nam dù ở đâu, dù trong hoàn cảnh nào vẫn tự hào mình là con cháu Lạc Hồng, là công dân nước Việt Nam độc lập, với Quốc khánh là ngày 2/9. Điều đó giải thích cho những chiến công thần kỳ mà dân tộc ta đã làm được trong lịch sử đấu tranh giữ nước và dựng nước. Và cũng chính điều đó đã tạo ra trong trái tim mỗi người Việt Nam những kỷ niệm khó quên về Quốc khánh mùng 2/9!

Năm nay, kỷ niệm 76 năm ngày Quốc khánh, chắc chắn sẽ là những kỷ niệm giàu cảm xúc! Tuy không phải năm chẵn, nhưng trong hoàn cảnh “Chống dịch như chống giặc”, “mỗi phường xã là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ”, tất cả đều hướng về miền Nam ruột thịt, nơi dịch bệnh đang bùng phát dữ dội. Chắc chắn có biết bao kỷ niệm, biết bao câu chuyện rồi đây sẽ đi vào lịch sử.

Chuyện về những chiến sĩ áo trắng không quản khó khăn gian khổ, hy sinh tính mạng, hy sinh tình cảm gia đình để bám trụ vì người bệnh. Có những chiến sĩ đã đổ gục ngay trên “trận địa” vì nóng bức và quá sức nhưng quyết không rời trận tuyến chống dịch. Hình ảnh những chiến sĩ nằm ngủ dưới đất để bệnh nhân nằm giường đánh thức ai đó còn “đứng ngoài cuộc chiến”!

Góp phần chống dịch với hàng tỷ đồng của những công ty, những cá nhân giàu có cùng với những khoản tiền nhỏ của những cụ già, những em bé, những người lao động còn khó khăn… đã tạo ra một Quỹ vaccine đặc biệt giàu có bởi tấm lòng Việt Nam, bởi bản sắc văn hóa dân tộc “thương người như thể thương thân”, bởi sự tin tưởng tuyệt đối của người dân vào Chính phủ! Phải chăng, điều đó cùng với đường lối ngoại giao đúng đắn của Nhà nước ta, đã được bạn bè gần xa mến phục mà hết lòng giúp đỡ.

Hàng triệu liều vaccine đã và đang dồn về cho Việt Nam, và phần lớn được đưa vào TPHCM và các tỉnh, thành phố phía nam, nơi dịch đang bùng phát nguy hiểm! Và không chỉ vaccine, mà hàng ngàn gương mặt trẻ, người là sinh viên, người là sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang hối hả lên xe thẳng hướng miền Nam, thần tốc như năm xưa ra trận. Nhìn những cánh tay vẫy chào lưu luyến của đồng đội, người thân ở lại trên đất Bắc với những gương mặt náo nức, khẩn trương như đang nghe tiếng gọi nơi tiền tuyến xa xôi của người ra đi, bất giác tôi nhớ kỷ niệm ngày nhập ngũ năm nào!

Lịch sử không lặp lại, nhưng cuộc sống và những thời khắc có ý nghĩa lịch sử dường như giống nhau ở chỗ thử thách lòng người. Và trong thời khắc ấy, người Việt Nam thể hiện rõ nét nhất, sâu sắc nhất ý chí và tình cảm, phẩm chất và hành động có tính bản sắc và nhân văn! Và rồi đây, kỷ niệm lại được tích lũy và trào dâng trong trái tim mỗi người! Hình ảnh anh chiến sĩ chưa một lần đi chợ, nay đi chợ giúp dân giãn cách đang loay hoay ghi chép, chắc chắn sẽ là hình ảnh khó quên! Một cụ bà đã khóc khi chiến sĩ đem túi thực phẩm đến tận nhà trao cho mình. Bệnh nhân COVID-19 khỏi bệnh tình nguyện ở lại chăm sóc bệnh nhân COVID-19 khác, chắc chắn sẽ là những ngày đầy ắp kỷ niệm giàu cảm xúc!... Còn nhiều, còn nhiều lắm những kỷ niệm không thể nào quên trong dịp kỷ niệm Quốc khánh năm nay!

Cách đây ít ngày, hình ảnh áo ướt đẫm mồ hôi của Thủ tướng Phạm Minh Chính với tư cách Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đến thăm hỏi, kiểm tra tận cơ sở trong công tác phòng, chống dịch tại TPHCM và các tỉnh phía nam rồi đây cũng trở thành kỷ niệm sâu sắc đối với những người trực tiếp có mặt trong tuyến đầu chống dịch đang trong thời khắc cam go. “Sức khỏe và tính mạng nhân dân là trước hết, trên hết!”; “Mỗi phường, xã là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ” không phải là khẩu hiệu mà là mệnh lệnh và hành động quyết liệt, trực tiếp trên “trận địa” cùng toàn dân chống dịch có sức thuyết phục mạnh mẽ của người đứng đầu Chính phủ.

Và hôm nay, mùng 2/9/2021, kỷ niệm lần thứ 76 Quốc khánh nước ta không có mít tinh rầm rộ nhưng trong lòng mỗi người dân nước Việt vẫn trào dâng niềm tự hào về Tổ quốc Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và có vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế. Dẫu dịch bệnh còn diễn biến phức tạp nhưng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang đồng lòng chống dịch như chống giặc, bạn bè quốc tế gần xa đều ủng hộ nhiệt thành; điều đó cho chúng ta niềm tin “giặc COVID-19” nhất định phải lùi để Việt Nam bước vào thời kỳ bình thường mới.

Chúng ta nhất định vững vàng bước vào giai đoạn phát triển mới thực hiện khát vọng của nhân dân về một nước Việt Nam hùng cường, người dân được ấm no, hạnh phúc. Chúng ta tin, nhất định chúng ta sẽ chiến thắng dịch bệnh, nhịp bước cùng các nước ASEAN và các nước trên thế giới, góp phần xây dựng cộng đồng quốc tế hòa bình, thịnh vượng!

Trên đây là bài viết Ngày Quốc khánh Việt Nam, do chúng tôi tổng hợp từ nhiều nguồn thông tin khác nhau gửi đến độc giả. Hy vọng qua đây, sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về ngày lễ trọng đại này.

Saigon Uniform