Kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2021): Không ngừng giữ vững và phát huy bản chất cách mạng của “bộ đội Cụ Hồ”
Cách đây 77 năm, ngày 22/12/1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập gồm 34 chiến sĩ, biên chế thành 3 tiểu đội, do đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy. Đây là đơn vị chủ lực đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng và là tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam.
1. Cùng với hệ thống chỉ huy, Chi bộ đảng cũng thành lập để lãnh đạo Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân thực hiện các nhiệm vụ một cách tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt; tuy chỉ có 34 người, với 34 khẩu súng các loại nhưng đó là những chiến sĩ kiên quyết, dũng cảm trong các đội du kích Cao - Bắc - Lạng, Cứu quốc quân,... họ là con em các tầng lớp nhân dân bị áp bức, có lòng yêu nước, chí căm thù địch rất cao, họ đã siết chặt thành một khối vững chắc. Sau lễ thành lập, Đội tổ chức một bữa cơm nhạt không rau, không muối để nêu cao tinh thần gian khổ của các chiến sĩ cách mạng; tổ chức "đêm du kích" liên hoan với đồng bào địa phương để thắt chặt tình đoàn kết quân dân. Nhờ vậy, từ trận đầu, quân đội ta đã mưu trí, dũng cảm chiến đấu, lập nên chiến công tiêu diệt các đồn Phay Khắt, Nà Ngần của giặc Pháp, mở ra truyền thống "Quyết chiến, quyết thắng", đánh chắc thắng; để rồi ngày càng phát triển, lớn mạnh nhanh chóng, cùng toàn dân tiến hành cuộc khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 thành công, Việt Nam Giải phóng quân được đổi tên thành Vệ Quốc quân; năm 1946, đổi tên thành Quân đội Quốc gia Việt Nam; năm 1950, đổi tên thành Quân đội nhân dân Việt Nam.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, trường kỳ, gian khổ; với tinh thần "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh", quân đội ta đã thắng lợi vang dội, mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ "Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu". Tiếp theo là cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân đội ta đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh và lập nên nhiều chiến công nối tiếp chiến công, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975 lịch sử, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh, hoàn thành sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Sau giải phóng, quân đội ta tiếp tục thực hiện hai cuộc chiến tranh chống quân xâm lược ở biên giới phía Bắc và phía Tây Nam của đất nước, bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc thân yêu, giúp nước bạn Cam-pu-chia giải phóng khỏi nạn diệt chủng Khơ me đỏ. Bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, quân đội ta luôn hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao; không ngừng xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại; rèn luyện kỷ luật, khả năng sẵn sàng chiến đấu, không để bị động, bất ngờ trước mọi tình huống.
2. Ở tỉnh ta, ngày 17 đến 19/7/1945, Hội nghị lần thứ 2 tại Trường An đã chủ trương thành lập đội "Tự vệ cứu quốc" và "Tự vệ sắt" và phát động phong trào quyên góp xây dựng lực lượng vũ trang, huấn luyện quân sự cho tự vệ, rèn chế vũ khí, vận động thanh niên lên chiến khu để tổ chức học tập, huấn luyện. Các đội "Tự vệ cứu quốc" và "Tự vệ sắt" đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử làm nòng cốt trong tổng khởi nghĩa Bình Định ngày 23/8/1945, giành chính quyền về tay nhân dân. Ngày 4/9/1945 tại thành phố Quy Nhơn, Chi đội Giải phóng quân Phan Đình Phùng đầu tiên được thành lập từ các đội tự vệ. Chiến công đầu tiên của Chi đội là đánh chiếm Nhà băng Đông Dương (Quy Nhơn) đêm 12/12/1945, đập tan âm mưu đánh chiếm Bình Định của thực dân Pháp. Tháng 4/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập bộ đội địa phương của tỉnh, của huyện, rút các đại đội độc lập về tập trung xây dựng đơn vị mạnh; lực lượng vũ trang của tỉnh đã hình thành 3 thứ quân gồm: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích. Với tinh thần quả cảm, ngoan cường chiến đấu, quân và dân Bình Định đã lần lược đánh bại cuộc hành quân phối hợp hải, lục, không quân của địch vào Khu tam giác: Đề Gi - Chợ Gồm - Phù Mỹ, vùng Tam Quan, Chợ Cát cùng các tỉnh Nam Trung bộ, nhất là đánh bại cuộc hành quân Át-lăng của địch (12/1953), góp phần cùng với cả nước giành thắng lợi chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Chiến thắng Tà Lốc (1959) là chiến thắng đầu tiên của du kích và nhân dân vũ trang trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tháng 1/1961, thực hiện chủ trương thống nhất các lực lượng vũ trang miền Nam thành "Quân giải phóng miền Nam", lực lượng vũ trang giải phóng tỉnh Bình Định từ đây đã hình thành bộ đội tỉnh, bộ đội huyện và dân quân du kích. Từ đó, lực lượng vũ trang của tỉnh đã phối hợp tốt với lực lượng chủ lực của Quân khu làm nên các chiến thắng vang dội: Chiến thắng An Lão (12/1964), Chiến thắng Dương Liễu - Đèo Nhông (2/1965) và nhiều trận đánh, tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, tiêu biểu trận đánh Thuận Ninh, Hội Sơn, Đập Đá, Tân Giảng, Bình Thành... Và cùng với cả nước, năm 1975, quân và dân Bình Định đã lần lượt tiến công giải phóng Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, An Nhơn, Tuy Phước và giải phóng toàn tỉnh ngày 31/3/1975.
3. Lịch sử 77 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành của quân đội ta gắn liền với lịch sử đấu tranh anh dũng của dân tộc. Một đội quân được Đảng và Bác Hồ rèn luyện, đã từng là những đội tự vệ đỏ trong cao trào Xô Viết-Nghệ Tĩnh, đội du kích Bắc Sơn, Nam Kỳ, Ba Tơ, Cao Bắc Lạng, Cứu quốc quân đến Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Một đội quân lớp lớp cán bộ, chiến sĩ đã nối tiếp nhau bao thế hệ cầm súng chiến đấu, cùng toàn dân đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược hung bạo, giành lại độc lập thống nhất và bảo vệ vững chắc bờ cõi thiêng liêng Tổ quốc Việt Nam và làm tròn nghĩa vụ quốc tế vẻ vang đối với cách mạng hai nước Lào và Cam-pu-chia anh em.
Sau ngày giải phóng, cùng với cả nước, lực lượng vũ trang Bình Định đã không ngừng phát huy chủ nghĩa anh hùng, truyền thống bộ đội Cụ Hồ, làm tốt công tác tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và biên phòng toàn dân ngày càng vững chắc. Lực lượng dân quân tự vệ và lực lượng dự bị động viên không ngừng được củng cố, xây dựng, nâng cao chất lượng, có bản lĩnh chính trị vững vàng. Đặc biệt, hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ luôn có những nghĩa cử cao đẹp, chia sẻ cùng đồng bào trong lúc khó khăn, hoạn nạn, không quản ngại hiểm nguy kịp thời ứng cứu, giúp đỡ bà con; góp phần thắt chặt đoàn kết quân dân. Lực lượng vũ trang mãi mãi xứng đáng là đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất và là lực lượng trung thành, tin cậy của Đảng, chính quyền và nhân dân.
Kỷ niệm 78 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam
Tối 21-12 tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng tổ chức chiêu đãi trọng thể kỷ niệm 78 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944 / 22-12-2022), 33 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22-12-1989 / 22-12-2022). Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì chiêu đãi.
Tham dự chiêu đãi có Thiếu tướng Phạm Trường Sơn, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; lãnh đạo các tổng cục, các quân chủng, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng; đại sứ, đại biện lâm thời, tùy viên quốc phòng, tùy viên quân sự, tùy viên quân chủng các nước tại Việt Nam
Phát biểu tại tiệc chiêu đãi, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến nhấn mạnh, trải qua 78 năm xây dựng và trưởng thành, Quân đội nhân dân Việt Nam đã có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả. Truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam từ bao đời nay đã luôn cổ vũ, động viên cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đoàn kết, quyết tâm, chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thử thách, kiên cường chiến đấu vì độc lập, tự do, thống nhất của Tổ quốc, đồng hành cùng với sự nghiệp đổi mới, phát triển của đất nước và tích cực, chủ động hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng với bạn bè quốc tế.
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến cho biết, Quân đội nhân dân Việt Nam tự hào luôn sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của quân đội các nước và cộng đồng quốc tế. Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến khẳng định, là một dân tộc đã phải trải qua những đau thương, mất mát của các cuộc chiến tranh, nhân dân Việt Nam nói chung, Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng thấu hiểu sâu sắc giá trị cao quý của hòa bình. Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nỗ lực cùng quân đội các nước phấn đấu vì một thế giới không có chiến tranh, không có kẻ thù, chỉ có hòa bình và cùng những người bạn hợp tác, đoàn kết, chung tay vì sự phát triển phồn vinh, thịnh vượng của mỗi người dân. Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến mong muốn các đại sứ, đại biện lâm thời, tùy viên quốc phòng, tùy viên quân sự, tùy viên quân chủng các nước tại Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy vai trò đặc biệt của mình là nhịp cầu thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc phòng với đất nước và Quân đội nhân dân Việt Nam.
Trong khi đó, Đại tá Ishihara Masanao, Tùy viên Quốc phòng Nhật Bản, Phó trưởng đoàn Tùy viên quân sự các nước tại Việt Nam cảm ơn sự hỗ trợ liên tục của Bộ Quốc phòng Việt Nam trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại Việt Nam. Đại tá Ishihara Masanao chúc mừng Bộ Quốc phòng Việt Nam vừa qua đã tổ chức thành công Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2023. Dẫn lại câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”, Đại tá Ishihara Masanao bày tỏ hy vọng sự gắn bó mật thiết giữa đoàn Tùy viên quân sự các nước và Bộ Quốc phòng Việt Nam sẽ ngày càng được củng cố.