Hướng dẫn chi tiết cách tra cứu quy hoạch Hà Nội trực tuyến trên Ứng dụng công khai thông tin đất đai TP Hà Nội do Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố cung cấp.
Địa chỉ check quy hoạch Hà Nội đầy đủ nhất
Như chúng ta đã biết, Sở Tài nguyên và Môi trường là đơn vị cấp sổ đỏ cho người dân. Đây là cơ quan chuyên môn của UBND TP Hà Nội, một trong những nhiệm vụ của Sở này là xây dựng, quản lý, khai thác, cung cấp thông tin, cơ sở dữ liệu về đất đai theo quy định.
Thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, Sở TN&MT Hà Nội đã xây dựng Ứng dụng công khai thông tin đất đai TP Hà Nội. Ứng dụng này giúp người dân có thể kiểm tra quy hoạch Hà Nội thông qua app trên điện thoại và trên máy tính.
Theo chúng tôi biết, hiện nay, đây là ứng dụng duy nhất có thể giúp người dân check quy hoạch đến từng thửa đất trên địa bàn Hà Nội. Ứng dụng này có các lớp nền bản đồ vệ tinh và giao thông giúp người xem so sánh trực quan bản đồ quy hoạch với khu đất mà mình quan tâm.
Có vấn đề các bạn cần lưu ý là, Ứng dụng công khai thông tin đất đai TP Hà Nội cung cấp các “bản đồ quy hoạch sử dụng đất”, “kế hoạch sử dụng đất” theo từng giai đoạn. Hiện nay, ứng dụng cập nhật quy hoạch giai đoạn đến năm 2020. Tuy nhiên, bản đồ này vẫn có giá trị, đặc biệt là với kế hoạch sử dụng đất.
Hiện Hà Nội đang lập quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 (giai đoạn 2021 – 2030). Khi có quy hoạch sử dụng đất theo giai đoạn mới, Hà Nội sẽ dần dần cập nhật vào Ứng dụng công khai thông tin đất đai.
Cách tra cứu quy hoạch Hà Nội trên Ứng dụng công khai thông tin đất đai
Về cách xem bản đồ này, trước hết các bạn truy cập vào địa chỉ website:
Ảnh 1 nói trên là giao diện chính của hệ thống. Mình đã đánh số từ 1 đến 9 với các công cụ hiện lên trên giao diện. Dưới đây là tác dụng của từng công cụ:
– Số 1: Click vào đó để đọc kỹ hướng dẫn cách sử dụng, cách tra cứu quy hoạch trên hệ thống trên cả bản desktop và mobile.
– Số 2: Phần chú giải cho biết các ký hiệu, màu sắc trên bản đồ có nghĩa là gì.
– Số 3: Lựa chọn lớp bản đồ nền (google vệ tinh, hoặc giao thông). Công cụ này không quá quan trọng, bởi hệ thống tự hiện lớp nền vệ tinh. Đây là lớp nền trực quan nhất.
– Số 4: Click vào đó để chọn loại bản đồ (quy hoạch sử dụng đất – quy hoạch sử dụng đất điều chỉnh cấp thành phố, cấp huyện, hoặc kế hoạch sử dụng đất theo kỳ).
– Số 5: Xem quy hoạch theo vị trí tự chọn; theo kinh độ, vĩ độ, hoặc theo số thửa đất ghi trên sổ đỏ… Bạn click vào phương thức xem tương ứng rồi điền thông tin và bấm vào ô Tìm kiếm, hệ thống sẽ hiển thị kết quả thửa đất cho bạn.
– Số 6: Click vào đó để hiện ra bản đồ giấy toàn địa bàn Hà Nội hoặc theo từng quận huyện (tùy thuộc loại bản đồ chọn ở Số 4). Ví dụ, từ Ảnh 1 ở trên (đang chọn Bản đồ QHSDĐ điều chỉnh cấp TP đến năm 2020) mình click vào thì bản đồ giấy sẽ hiện lên như hình dưới đây (Ảnh 2). Các bạn có thể lăn chuột để zoom to – nhỏ bản đồ.
Nếu mình chọn loại bản đồ là “QHSDĐ điều chỉnh cấp huyện đến năm 2020” thì giao diện ở giữa sẽ hiện ra ranh giới từng quận/huyện (xem Ảnh 3 bên dưới). Bạn click vào quận/huyện muốn xem quy hoạch thì bản đồ giấy sẽ hiện lên. Ví dụ, mình click vào huyện Đông Anh thì bản đồ quy hoạch huyện Đông Anh bản giấy sẽ hiện lên như ảnh bên dưới (Ảnh 4).
– Số 7: Bấm giữ chuột rồi kéo lên xuống để bản đồ hiện lớp vệ tinh, từ đó so sánh trực quan với bản đồ quy hoạch. Ví dụ, từ Ảnh 4 nói trên, mình kéo thanh Số 7 này xuống thì bản đồ quy hoạch sẽ mờ đi và lớp vệ tinh sẽ dần dần hiện rõ như ảnh bên dưới (Ảnh 5).
– Số 8: Công cụ zoom to – nhỏ bản đồ. Công cụ này không quan trọng vì bạn có thể zoom to – nhỏ bản đồ bằng con lăn chuột.
– Số 9: Bạn click vào đây để chuyển sang dạng bản đồ số (hoặc trở lại bản đồ giấy). Khi xem bản đồ số, bạn có thể click trực tiếp vào ô đất muốn xem, hệ thống sẽ hiển thị thông tin hiện trạng và quy hoạch của khu đất đó ở bên trái màn hình. Ví dụ, chúng tôi click vào một ô đất bên ở huyện Đan Phượng, cạnh Đại lộ Thăng Long thì thông tin quy hoạch hiện ra ở vòng tròn màu xanh trong ảnh dưới đây. (Xem ảnh 6,7 bên dưới).
Như vậy, chúng tôi đã hướng dẫn khá chi tiết các bước để các bạn có thể check quy hoạch Hà Nội online trên Ứng dụng công khai thông tin đất đai Hà Nội. Sau đây, tôi xin chia sẻ thêm kinh nghiệm khi kiểm tra quy hoạch trên ứng dụng này, chính xác là những mặt hạn chế của nó.
Thứ nhất, ở phần thanh công cụ Số 4 (chọn loại bản đồ), tôi thấy bản đồ “QHSDĐ cấp huyện đến năm 2020” có đoạn bản đồ quy hoạch bị lệch so với lớp bản đồ vệ tinh. Ví dụ, dưới đây là phần đồ quy hoạch thể hiện một đoạn Đại lộ Thăng Long bị lệch so với thực địa:
Vì vậy, mình khuyến cáo các bạn chưa quen với việc xác định ví trị trên thực địa thì không nên chọn xem loại bản đồ này, ít nhất là vào thời điểm hiện tại. Các bạn nên chọn “QHSDĐ điều chỉnh cấp huyện đến năm 2020”, “QHSDĐ điều chỉnh cấp TP đến năm 2020” để xem quy hoạch sử dụng đất, bởi đây là bản đồ cập nhật mới nhất của hệ thống. Khi hệ thống cập nhật quy hoạch đến năm 2030 thì tất nhiên là các bạn click vào đó để xem và không cần phải quan tâm đến quy hoạch đến năm 2020 nữa (quy hoạch đến năm 2020 được thay thế bằng quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030).
Đối với bản đồ kế hoạch sử dụng đất hàng năm, thì bạn có thể chọn năm tùy mục đích, mới nhất trên hệ thống này là kế hoạch năm 2020. “KHSDĐ cấp huyện năm 2020” thì có giá trị ít nhất 3 năm. Bởi theo quy định, khi được đưa vào kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, trong vòng 3 năm chính quyền sẽ ra quyết định thu hồi hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng mảnh đất đó để làm dự án. Một mảnh đất có thể chuyển tiếp từ kế hoạch sử dụng năm này sang kế hoạch năm khác theo quy định.
Thứ hai, theo chúng tôi thấy, bản đồ số trên ứng dụng này có vẻ chưa cập nhật đầy đủ và mượt mà nhất. Vì vậy, cá nhân tôi thì thích xem bản đồ giấy hơn. Bởi vì, việc xem bản đồ giấy, so sánh với lớp google vệ tinh trực tiếp trên hệ thống, kết hợp với việc bản thân hình dung vị trí chính xác trên thực địa… sẽ cho kết quả chính xác nhất.
Nhìn chung, bản đồ giấy luôn luôn có giá trị pháp lý và nó có độ an tâm hơn các bản đồ quy hoạch online, bản đồ quy hoạch số. Bởi vì các bản đồ quy hoạch online, bản đồ số sẽ phụ thuộc rất nhiều vào các thao tác kỹ thuật… Chỉ cần thao tác kỹ thuật gặp vấn đề chủ quan hoặc khách quan thì thông tin có thể có sai lệch.
Cũng vì để đề phòng trường hợp này mà các bạn thường thấy trên nhiều hệ thống tra cứu quy hoạch online, cho dù thông tin quy hoạch là đúng nhưng họ đều có chữ thể hiện ý nghĩa đại khái rằng “thông tin có giá trị tham khảo”, hay “trong trường hợp có sự khách nhau giữa bản đồ số và bản đồ giấy thì căn cứ theo bản đồ giấy”.
Tuy nhiên, các bạn vẫn nên khám phá bản đồ số vì có rất nhiều thông tin thú vị, chi tiết và thực sự thì tỷ lệ sai sót từ các hệ thống của cơ quan nhà nước là rất ít. Lý tưởng nhất là bạn có thể kết hợp xem cả bản đồ số, bản đồ giấy (PDF) để có thông tin quy hoạch chính xác nhất cho một khu đất.
Lưu ý: Trong quá trình sử dụng, Ứng dụng công khai thông tin quy hoạch TP Hà Nội có thể điều chỉnh, cập nhật một số tính năng mới. Chúng tôi sẽ cập nhật các thay đổi đó tại bài viết dưới đây để các bạn dễ dàng tra cứu mà không bị bỡ ngỡ: